Chiến Tranh Chiến Hào

Chiến Tranh Chiến Hào

590.911 480.000 63.000[15] 26.791[16] 17.000 7.430 5.455[17] 3.972 3.421,[18] 2,163[19] 1.389 1.273[20] 1.271 1.068 900 826 44

Chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu - Sự bành trướng của Nhật Bản

Ngày 8 tháng 12 năm 1941, cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương chính thức bùng nổ khi các lực lượng Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu cảng và Philippines của Hoa Kỳ, Hồng Kông của Anh và đổ bộ lên Thái Lan để mượn đường tấn công Mã Lai.

Ngày 26 tháng 11 năm 1941, một hạm đội bao gồm 6 hàng không mẫu hạm chở 423 máy bay, 2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm dưới quyền chỉ huy của phó đô đốc Chūichi Nagumo xuất phát từ quần đảo Kuril bí mật tiền về hướng Hawaii.[43] Cách Honolulu, thủ phủ đảo Hawaii khoảng 10 km là Trân Châu cảng, nơi đặt sở chỉ huy của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.

Vào lúc 7 giờ 55 phút, đợt tấn công thứ nhất gồm 183 máy bay[43] do Đại tá Mitsuo Fuchida chỉ huy bất ngờ tập kích Trân Châu cảng. Qua 2 đợt tấn công của hơn 350 máy bay Nhật Bản kéo dài trong gần 2 giờ đồng hồ cộng với quân Mỹ tại Trân Châu Cảng thiếu cảnh giác nên chống trả hết sức yếu ớt khiến cho người Nhật giành được thắng lợi lớn trong cuộc tập kích này. Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ bị đánh chìm 5 thiết giáp hạm (4 thiết giáp hạm khác bị hư hại), 3 tàu tuần dương hạm bị hư hại, 3 tàu khu trục bị hư hại, một tàu sửa chữa bị chìm.[44] Số máy bay Mỹ bị phá hủy là 188 chiếc và 159 chiếc khác bị hư hại. Số lính Mỹ bị giết là 2.403 người. Để đạt được thành quả vô cùng to lớn ấy, Nhật Bản chỉ phải mất 29 máy bay và 5 tàu ngầm bỏ túi. Tuy nhiên, ba chiếc hàng không mẫu hạm của hạm đội Thái Bình Dương ngày hôm ấy không có mặt ở Trân Châu cảng nên đã không bị người Nhật tiêu diệt. Ngoài ra, các máy bay Nhật Bản cũng không tiến hành oanh tạc các công xưởng đóng tàu, kho đạn dược và nhất là kho xăng to lớn quanh cảng. Nếu làm được điều đó, hẳn người Nhật đã phải buộc hải quân Hoa Kỳ phải rút khỏi Trân Châu Cảng và đưa tàu về San Diego trong một năm rưỡi sau đó.

Trận Trân Châu cảng là một chiến thắng rực rỡ của hải quân Nhật nhưng xét về mặt chính trị, chiến thắng này đã mang lại một hậu quả lớn. Trước trận đánh này, tại Hoa Kỳ, 800.000 thành viên của America First Committee đã cực lực phản đối việc nước này can thiệp vào tình hình ngoài Bắc Mỹ. Tuy nhiên, vì thất bại đau đớn này mà dân chúng Hoa Kỳ sau đó trở nên đoàn kết chặt chẽ chống Nhật dưới khẩu hiệu: "Đừng quên Trân Châu Cảng!" 12 giờ 30 phút ngày 8 tháng 12, tổng thống Roosevelt đã đọc Tuyên cáo chiến tranh của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. Ông mở đầu bài diễn văn như sau:

Sau khi nói rõ thiện chí hòa bình và sự tráo trở của Nhật Bản trong các cuộc hội đàm và trong hành động thực tế để dẫn đến chiến tranh, tổng thống Roosevelt tuyên bố:

Hoa Kỳ đã chính thức bước vào cuộc chiến tranh tổng lực với Nhật Bản. Trong ngày 7 tháng 12, Úc cũng tuyên chiến với Nhật Bản[47] và một ngày sau đến lượt Hà Lan.[48] Tiếp đó, nước Pháp Tự do, New Zealand, Canada,… tất cả hơn 20 nước cũng lần lượt tuyên chiến với Nhật.[49] Ngày 9 tháng 12, chính phủ Trung Quốc giờ mới chính thức tuyên chiến với Nhật.

Tin chiến tranh giữa Nhật và Hoa Kỳ bùng nổ bay đến Berlin một cách đột ngột trong lúc Đức Quốc xã đang tập trung mọi sự chú ý vào mặt trận phía đông, nơi Hồng quân Liên Xô đã phản công mãnh liệt đẩy lùi quân Đức trước Moskva. Liền đó, cũng trong ngày 8 tháng 12, Quốc trưởng Adolf Hitler đã nhận được thông điệp của chính phủ Nhật, yêu cầu Đức và Ý tuyên chiến với Hoa Kỳ theo như cam kết trong Hiệp ước Tam cường. Đêm ngày 9 tháng 12, cả Hitler lẫn Mussolini đã điện trả lời chính phủ Nhật rằng cam đoan cả ba nước sẽ chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng, không giảng hòa riêng rẽ nhưng vẫn né tránh việc tuyên chiến với Mỹ.[50] Trưa ngày 10 tháng 12, đại sứ Nhật Oshima đã trình lên Quốc trưởng một thông điệp mới của chính phủ Nhật trả lời điện văn nói trên của Đức và Ý. Thông điệp này bày tỏ hi vọng quân đội Đức sẽ tiến ngay vào Trung Cận Đông với ngụ ý Đức nên tuyên chiến. Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop cố gắng thuyết phục Hitler không nên tuyên chiến với Hoa Kỳ vì theo Hiệp ước Tam Cường, Đức sẽ chiến đấu bên cạnh Nhật chỉ khi Nhật bị một nước khác tấn công. Tuy nhiên, vào lúc ấy, bộ ngoại giao Đức lại nhận được điện của tham tán ngoại vụ Hans Thompson ở Washington D.C rằng 24 giờ nữa Mỹ sẽ tuyên chiến hoặc cắt quan hệ ngoại giao với Đức. Chụp lấy cơ hội này, Hitler vội vã triệu tập Quốc hội vào ngày 11 tháng 12 và chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ. Cùng trong ngày hôm ấy, Ý cũng tuyên chiến với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức. Phạm vi của Chiến tranh thế giới thứ hai đã mở rộng và tạo nên một cuộc chiến tranh quy mô toàn thế giới.

Theo kế hoạch phối hợp của Bộ tổng tham mưu Lục quân với Bộ tổng tham mưu Hải quân Nhật Bản, trong khi các lực lượng chủ yếu của hải quân tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii thì các lực lượng hải quân khác sẽ tấn công các căn cứ quân sự tại Philippines, Singapore,… đồng thời lục quân sẽ đánh vào các mục tiêu đã định sẵn ở Mã Lai, Thái Lan và Hồng Kông. Nhưng vì cuộc tấn công ở Trân Châu cảng đã bắt đầu chậm mất 2 giờ nên những tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương đã bắt đầu ở bãi biển thuộc thành phố Khota Baru, Mã Lai thuộc Anh.[51]

Từ ngày 24 tháng 11, nguyên soái Terauchi Hisaichi chỉ huy Nam Phương quân đã nhận được chỉ thị từ Tokyo chuẩn bị sẵn sáng gây sức ép với Thái Lan để tiến vào lãnh thổ nước này. Thủ tướng Thái Lan lúc này là ông Phibul Songram đang cố giữ chính sách cân bằng ở cả hai phía Anh và Nhật nên vào trưa ngày 27 tháng 11, ông Phibul đã tuyên bố rõ trên đài phát thanh Bangkok về đường lối trung lập của Thái Lan.

12 giờ trưa ngày 7 tháng 12, Terauchi báo tin cho đại sứ Nhật tại Bangkok chuẩn bị gặp thủ tướng Thái Lan Phibul để xin phép đưa quân Nhật từ Đông Dương vào Thái Lan để bảo vệ sườn phía tây và tây nam cho quân Nhật đóng tại Đông Dương. Và sau đó, mặc dù chưa nhận được tín hiệu trả lời từ phái Thái Lan, 3 giờ 30 phút sáng ngày 8 tháng 12, Terauchi ra lệnh cho các đơn vị quân Nhật đã sẵn sàng tại Campuchia tiến vào Thái Lan.[53] Sáng ngày 8 tháng 12, sư đoàn cận vệ đi đầu vượt biên tiến vào Thái Lan trước sự ngỡ ngàng và bất lực của lực lượng biên phòng Thái. Rạng sang ngày 9 tháng 12, sư đoàn này đã tiến vào Bangkok. Một cánh quân khác từ đảo Phú Quốc đã đổ bộ lên vùng bờ biển Thái Lan, tiếp theo sau đó là một hạm đội nhỏ từ Vũng Tàu cũng kéo đến trợ lực. Ngày 11 tháng 12, quân đội Nhật Bản tiến sát biên giới Thái Lan-Miến Điện. Ngày 14 tháng 12, các điểm trọng yếu của Thái Lan đều bị quân Nhật chiếm lĩnh. Trong quá trình tiến quân, người Nhật chỉ gặp vài sự kháng cự lẻ tẻ, không đáng kể.

Ngày 21 tháng 12 năm 1941, chính phủ Thái Lan trước sự đe dọa của Nhật Bản đã phải ra tuyên bố liên minh với Đại Nhật Bản và tuyên chiến với Anh-Hoa Kỳ.[54]

Đầu tháng 12 năm 1941, kế hoạch tiến đánh Hồng Kông, lãnh địa của Anh tại Trung Quốc đã được phê chuẩn. Ngày 8 tháng 12, 38 sư đoàn Nhật Bản bắt đầu tấn công dọc theo sông Thâm Quyến. 18 ngày sau, ngày 25 tháng 12, Toàn quyền Hồng Kông Mark Young đã đầu hàng tướng Nhật Takaishi Sakai[55] và Hồng Kông chính thức rơi vào tay Nhật Bản.

Trong khi đó, mục tiêu được coi là hàng đầu của Nhật Bản trong cuộc tiến quân xuống khu vực Đông Nam Á chính là bán đảo Mã Lai. Trước khi đổ bộ lên vùng bờ biển Mã Lai, quân Nhật phải trải qua một cuộc hành trình dài trên biển và phải liên tục chiến đấu cho đến khi chiếm được pháo đài của người Anh tại Singapore. Việc chiếm đóng miền Nam Đông Dương và Thái Lan được là bước đầu để Nhật tạo bàn đạp cho cuộc tấn công Mã Lai.

Từ ngày 15 tháng 11 tức là 3 tuần trước khi phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, trung tướng Tomoyuki Yamashita, tư lệnh tập đoàn quân số 25 có nhiệm vụ tấn công Mã Lai và Singapore đã đến Sài Gòn để nhận chỉ thị trực tiếp từ thống chế Terauchi. Ngày 20 tháng 11, phương án tấn công Mã Lai đã được soạn thảo xong với các chi tiết. Lực lượng của tập đoàn quân 25 khoảng 70.000 người và tổng số máy bay được huy động cho cuộc tấn công Mã Lai là 799 chiếc, trong đó có 187 chiếc cất cánh từ tàu sân bay. Sáng ngày 4 tháng 12, đoàn tàu chở quân Nhật nhổ neo rời Cam Ranh và tiến về phía nam. Ngày 7 tháng 12, sau khi đã vào vịnh Thái Lan, đoàn tàu tách làm 3 nhóm để tiến đến 3 mục tiêu khác hau. Lực lượng chính gồm 14 hạm tàu thẳng tiến về phía Singora, nhóm thứ 2 gồm 3 chiếc tiến về Pattani (Thái Lan) và nhóm thứ ba cũng gồm 3 chiếc tiến tới thành phố Khota Baru thuộc Mã Lai.[57]

Trận chiến tại Mã Lai chính thức bắt đầu từ lúc 1 giờ 30 phút ngày 8 tháng 12 khi quân Nhật đổ bộ lên Khota Baru.[57] Tiếng súng đã bắt đầu sớm hơn ở Hawaii gần hai tiếng đồng hồ. 4:00 giờ sáng ngày hôm đó, 17 máy bay ném bom của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã oanh tạc Singapore làm 133 người chết. Cũng cùng thời gian đó, người Nhật đã chiếm xong sân bay đầu tiên của Anh ở Mã Lai.

Trưa ngày 8 tháng 12, đô đốc Anh Thomas Phillip đã dẫn lực lượng Z từ Singapore gồm 2 chiến hạm chủ lực HMS Prince of Wales, HMS Repulse cùng 4 khu trục hạm đến Mã Lai để tiêu diệt quân đổ bộ Nhật. Mặc dù hai chiến hạm này được xem là "không thể đánh chìm" nhưng đến ngày 10 tháng 12, 34 máy bay ném bom và 51 máy bay ném ngư lôi của Nhật từ căn cứ tại Sài Gòn đã tấn công và đánh chìm cả hai, đô đốc Phillip chết theo tàu. Chủ lực hạm đội Viễn Đông của Anh bị đánh chìm giúp quân Nhật nắm quyền khống chế, kiểm soát trên biển và cắt đứt đường tiếp viện cho quân Anh trên bộ.

Bị đánh chìm 2 chiến hạm chủ lực, hải quân Anh không còn đủ khả năng tấn công các tàu chở quân và vũ khí của Nhật. Với binh lính, vũ khí và quân nhu tiếp viện, người Nhật tiến công về phía nam. Xe đạp và xe tăng hạng nhẹ giúp quân Nhật vượt qua các khu rừng già một cách hữu hiệu và tiến nhanh như vào chỗ không người. Ngày 7 tháng 1 năm 1942, người Nhật đã chiếm được Kuala Lumpur và đến ngày 31 tháng 1, các lực lượng quân Úc và Ấn Độ không còn giữ nổi phòng tuyến đã phải rút về pháo đài Singapore. Khi lực lượng Đồng Minh cuối cùng đã rời Malaya, các kĩ sư đã cho đánh sập con đường nổi bắc ngang eo biển nối Johore và Singapore. Sau gần 2 tháng giao tranh, trận Mã Lai đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của Nhật Bản và giờ đây mục tiêu tiếp theo là Singapore.

Singapore với diện tích chỉ hơn 600 km² nhưng lại là một pháo đài vững chắc của người Anh tại Đông Nam Á. Tại đây quân Anh có tới 85.000 quân, 54 đại pháo hải quân gắn trong pháo đài, 300 khẩu pháo, 200 xe tăng - xe bọc thép. Sau khi chiếm được Mã Lai, người Nhật đã cho ngừng tiến quân một thời gian để củng cố lại lực lượng và nghiên cứu cách đánh. Đến tối ngày 7 tháng 2, quân Nhật mới bắt đầu tấn công.

Đến ngày 11 tháng 2, quân Nhật đã chiếm được cao điểm Bukit Timah, đỉnh núi cao nhất ở phía bắc Singapore. Tuy nhiên, trong nội bộ quân Nhật lại xảy ra sự kình chống lẫn nhau giữa tướng Yamashita và nguyên soái Terauchi ở Sài Gòn nên tiếp liệu không dồi dào và đạn pháo đã gần cạn.[58] Trước tình thế đó, Yamashita đã phải chơi đòn tâm lý chiến khi cho máy bay thả xuống khu vực quân Anh cố thủ một bức thư gọi hàng. Cuối cùng, vào chiều ngày 15 tháng 2, trung tướng Arthur Percival, tổng chỉ huy quân Anh tại Singapore đã mang cờ trắng đến gặp người Nhật và đồng ý ký vào văn kiện đầu hàng. Quyết định đầu hàng của tướng Arthur Percival đã đưa đến cuộc đầu hàng lớn nhất trong lịch sử của quân đội Anh và nó đã làm cho địa vị của nước Anh tại vùng Viễn Đông không còn như xưa.[59]

Trong toàn chiến dịch Mã Lai, quân Nhật chịu thiệt hại 9.824 người chết, bị thương hoặc bị bệnh (bao gồm 1.714 chết). Quân Anh có khoảng 5.000 chết hoặc bị thương, và hơn 80.000 quân đã bị bắt làm tù binh, toàn bộ trang bị vũ khí của quân Anh bị phá hủy hoặc thu giữ. Tại Luân Đôn, sáng ngày 17 tháng 2, thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói trước Quốc hội:

Philippines khi đó là thuộc địa của Mỹ, là nơi đặt Bộ tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Viễn Đông dưới quyền đại tướng Douglas MacArthur. Tại đây, còn có nhiều căn cứ quân sự của người Mỹ như sân bay Clark, Iba, các căn cứ hải quân Cavite, Subic… Về phương diện chiến lược, Philippines là vòng cung phòng ngự từ xa của bờ phía tây lục địa Mỹ. Tại đây, quân Mỹ - Philippines có lực lượng khá mạnh: hơn 151.000 quân, 108 xe tăng và 277 máy bay (bao gồm 34 chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-17) Kế hoạch đánh chiếm Philippines được giao cho trung tướng Masaharu Homma, một người đã từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất trên đất Pháp.

Ngày 1 tháng 12, tư lệnh chiến dịch đặt sở chỉ huy tại Đài Bắc đã nhận được bản kế hoạch tấn công của Tổng tư lệnh Đạo quân Phương Nam - thống chế Terauchi Hisaichi. Trưa ngày 8 tháng 12, người Nhật sử dụng 108 oanh tạc cơ và 75 máy bay A6M Zero tấn công sân bay Clark và một số sân bay khác. Không quân biển Đông Hoa Kỳ bị xóa sổ 70% lực lượng chỉ sau 45 phút không kích, số máy bay còn lại cũng bị tiêu diệt hết trong vài ngày sau đó (chỉ còn sót lại 14 chiếc B-17 đã bay thoát sang Úc). Không quân Mỹ bị tiêu diệt là tiền đề cho việc mất Philippines. Tiếp sau đó, quân Nhật đổ bộ lên Davao.

Ngày 10 tháng 12, quân Nhật đổ bộ lên chiếm một số bàn đạp ở Appari, Vigan, Laoar, Legapi đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, khi tiến sâu vào Lingayen, quân Nhật bị chặn đánh dữ dội. Nhiều tàu chiến và tàu đổ bộ bị đánh chìm ở vịnh Lingayen.[63] Cuộc tiến quân của người Nhật gặp nhiều khó khăn vì phải liên tục đổ bộ trên các đảo mà người Mỹ phòng thủ chặt chẽ. Đến ngày 22 tháng 12, quân Nhật chọc thủng được tuyến phòng ngự, tiến về Manila. Ngày 1 tháng 1 năm 1942, quân Nhật từ hai hướng Nam Bắc tiến về Manila. Đại tướng MacArthur lệnh cho các chỉ huy Bắc và Nam Luzon lui về cố thủ Bataan và bản thân ông cũng lui về pháo đài Corregidor.

Tại Bataan, tướng Homma mất 7.000 quân tử trận và 10.000 người khác chết vì bệnh tật. Hai lần xin thêm quân không được, trái lại thủ tướng Tojo còn tỏ vẻ bất bình.[64] Ngày 10 tháng 3, tướng MacArthur được lệnh của Tổng thống Roosevelt rời Philippines sang Melbourne, Úc sau khi Tổng thống Philippines Manuel L. Quezon cũng đã rời nơi này. Tại Úc, ông đã có lời ước hẹn nổi tiếng: "I shall return" (Tôi sẽ trở lại). Ngày 2 tháng 4, hơn 65.000 quân Nhật với 100 đại bác bước vào chiến dịch cuối.[65] Liên quân Mỹ-Philippines lúc này còn 78.000 người, nhưng chỉ có 27.000 là còn khả năng chiến đấu. Pháo binh và máy bay Nhật đã thiêu cháy tuyến phòng ngự cuối cùng. 9 giờ sáng ngày 9 tháng 4, 76.000 quân Mỹ-Philippines đầu hàng.

Quân Mỹ - Philipines tổn thất nặng trong chiến dịch này: 25.000 chết, 21.000 bị thương và khoảng 100.000 bị bắt. Chỉ còn sót lại mấy ngàn quân rút vào rừng tiếp tục đánh du kích. Philippines chính thức rơi vào tay Nhật.

Cũng như các chiến trường khác, từ đầu tháng 12, Tư lệnh hạm đội Phương Nam của Nhật Bản đã nhận được chị thỉ kèm theo kế hoạch tấn công đánh chiếm các đảo đang nằm dưới quyền của các nước phương Tây tại Trung và Nam Thái Bình Dương.

Guam thuộc miền Trung Thái Bình Dương, cách Tokyo 1400 hải lý, trên đảo có một sân bay lớn. Cuộc tiến công đánh chiếm Guam được tiến hành vào sáng ngày 10 tháng 12 không hề gặp khó khăn gì vì lính Mỹ trên đảo nhanh chóng đầu hàng trước sự áp đảo về quân số của người Nhật.

Cũng trong ngày 10 tháng 12, Nhật Bản tiến công đảo Wake. Tuy nhiên, không như ở Guam, cuộc đổ bộ ở đây gặp khó khăn hơn rất nhiều khi bị hải pháo và máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Sau nhiều đợt tấn công, phải đến tận ngày 22 tháng 12, quân Nhật mới chiếm được đảo[49] với tổn thất hơn 800 người và 2 khu trục hạm bị đánh chìm.

Rabaul là một hòn đảo lớn trên tuyến phòng ngự của Úc ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Tuyến phòng ngự này gồm một chuỗi quần đảo chạy dài từ New Guinea qua quần đảo Bismarck đến quần đảo Solomon. Từ ngày 4 tháng 1 năm 1942, các máy bay Nhật Bản xuất phát từ hàng không mẫu hạm đã ném bom đánh phá Rabaul. Ngày 23 tháng 1, quân Nhật đổ bộ lên đảo và khoảng 1 tuần sau thì hoàn toàn chiếm được. Rabaul sau đó đã trở thành căn cứ lớn nhất của quân Nhật tại New Guinea.

Indonesia (trong Chiến tranh thế giới thứ hai được các nước phương Tây gọi là Đông Ấn thuộc Hà Lan) được xem là mục tiêu chính trong chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản vì đây là phần đất có rất nhiều tài nguyên chiến lược, từ dầu mỏ, thiếc, bauxite, nikel,... đến mía đường, cao su, lúa gạo.[67] Trước khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, lực lượng bảo vệ Indonesia hoàn toàn do người Hà Lan đảm nhiệm. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản đánh chiếm Mã Lai và Philippines, nhiều đơn vị quân đội Anh, Mỹ bị Nhật Bản đánh đuổi đã kéo về Indonesia cùng với quân Úc đến tăng viện đã tạo thành "lực lượng ABDA" (American, British, Dutch, Australian) dưới quyền đại tướng Archibald Wavell người Anh. Còn về phía Nhật Bản, họ đã huy động lực lượng hải, lục, không quân lớn nhất lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác ở Đông Nam Á và do đích thân thống chế tư lệnh Đạo quân Phương Nam Hisaichi Terauchi chỉ huy.[68]

Từ đầu năm 1942, đảo Java đã bị cô lập khi quân nhảy dù Nhật đã đổ bộ lên đảo Sumatra (phía tây) và thủy quân lục chiến Nhật chiếm đảo Bali (phía đông). Lúc ấy, lại nổ ra cuộc tranh cãi về sách lược phòng thủ: đô đốc Mỹ Thomas C. Hart chủ trương phòng thủ ở bờ biển, đợi quân Nhật đổ bộ thì đánh. Còn tư lệnh phó, Conrad Helfrich người Hà Lan thỉ chủ trương dùng lực lượng hải quân phục kích tiêu diệt đoàn tàu Nhật trên đường đổ bộ. Sau đó, lần lượt đô đốc Hart, tư lệnh lực lượng hải quân rời Indonesia về Úc và đại tướng Wavell, tư lệnh lục quân thì đến Ấn Độ.

Ngày 18 tháng 2, một đoàn tàu gồm 56 tàu vận tải của Nhật xuất phát từ Cam Ranh tiến về phía nam. Ngoài khơi biển Đông, đoàn tàu này đã gặp đoàn chiếm hạm hộ tống khởi hành từ Cao Hùng (Đài Loan) gồm 1 tàu sân bay, 7 tàu tuần dương và 12 khu trục hạm. Cùng lúc đó, một hạm đội khác gồm 40 tàu vận tải do chuẩn đô đốc Tanaka được 18 chiến hạm dưới quyền phó đô đốc Takeo Takagi yểm trợ xuất phát từ cảng Davao (Philippines) cũng tiến về vùng biển Java tạo thành 2 gọng kìm tiến đánh Java từ hai phía đông bắc và tây bắc. Đây là cuộc chuyển quân lớn nhất trên biển kể từ khi Nhật Bản phát động cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.[69]

Ngày 27 tháng 2, đã xảy ra trận hải chiến giữa hải quân Nhật Bản và hạm đội liên hợp 4 nước Đồng Minh Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh và Úc tại vùng biển Java. Kết quả là Đồng Minh bị mất 2 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm cùng tư lệnh hạm đội Karel Doorman, phía Nhật chỉ có 1 khu trục hạm bị thương. Đêm 28 tháng 2, rạng ngày 1 tháng 3, bắt đầu cuộc di tản của bộ máy chính quyền Hà Lan và Bộ tư lệnh Đồng Minh. Các chiến hạm cũng được lệnh di tản nhưng hầu hết đã bị hải quân và không quân Nhật đánh chìm, chỉ có 4 chiến hạm của Mỹ chạy thoát.[70] Ngày 6 tháng 3, Batavia thất thủ.[71] Ngày 9 tháng 3, Bộ tư lệnh quân đội Hà Lan tại Indonesia ra lệnh cho các lực lượng của mình hạ vũ khí đầu hàng[72] và quân Nhật cũng hoàn tất việc chiếm đảo Java trong ngày này (trước đó Nhật đã chiếm đảo Timor ngày 20 tháng 2).

Miến Điện đối với Nhật Bản có một ý nghĩa quan trọng cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Chiếm được Miến Điện, không chỉ cắt đứt con đường phương Tây vận chuyển cho Tưởng Giới Thạch mà còn mở ra con đường cắt đứt Ấn Độ với Anh.[73]

Để chuẩn bị tiến công, tập đoàn quân 15 Nhật Bản đã được đưa đến Thái Lan, tiếp giáp với Miến Điện ở phía nam. Ngày 16 tháng 12 năm 1941, quân Nhật đánh chiếm Victoria Point là căn cứ không quân của Anh. Thủ đô Rangoon đã bị máy bay Nhật Bản ném bom tàn phá trong hai ngày, 23 và 25 tháng 12.

Ngày 15 tháng 1 năm 1942, sư đoàn bộ binh số 55 của Nhật vượt biên giới Thái-Miến. Người Anh đã cho một sư đoàn quân Ấn sang tăng viện Miến Điện còn Trung Quốc cũng đưa một đội viễn chinh hơn 100.000 người[74] vào miền Bắc nước này. Tuy nhiên, đến ngày 8 tháng 3, quân Nhật đã chiếm được Rangoon, xem như đã chiếm đóng toàn bộ miền nam Miến Điện.[75]

Ngày 26 tháng 3, Nhật Bản mở màn cuộc tấn công miền Trung Miến Điện. Từ đầu tháng 4, họ chuyển sang đánh chiếm miền Bắc.[75] Ngày 21 tháng 4, sư đoàn 38 của Tưởng Giới Thạch rút chạy về Trùng Khánh. Trong khi đó, người Anh cũng lui về bảo vệ đường biên giới Ấn Độ. Ngày 30 tháng 4, người Nhật đã tiến vào Mandaley, cố đô Miến Điện. Mandaley thất thủ ngày 2 tháng 5. Ngày 8 tháng 5, thành phố Myitkina ở cực Bắc bị chiếm, chặn đường thông cuối cùng sang Trung Quốc, buộc tướng Mỹ Joseph Stilwell chỉ huy cánh quân Trung Quốc phải chạy sang Ấn Độ.[76]

Sau hơn 5 tháng, toàn bộ Miến Điện và một phần tỉnh Vân Nam đã lọt vào tay người Nhật. Phía Đồng Minh có thương vong 13.000 người trong tổng số 70.000 ban đầu. Phía Nhật trong số 70.000 quân của tập đoàn quân 15, tổn thất khoảng 4.500 người.[76]

Ngày 1 tháng 1 năm 1942, tại Washington D.C, 26 quốc gia đã ký Tuyên ngôn Liên Hiệp các quốc gia, đánh dấu việc hình thành mặt trận Đồng Minh chống phát xít trên toàn thế giới. Ngay sau đó, đại tướng Anh Archibald Wavell đã được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh liên quân Hoa Kỳ-Anh-Hà Lan-Úc (ABDACOM) cho toàn vùng Đông Nam Á. Phạm vi mà Wavell phải kiểm soát và phòng thủ trước quân Nhật bao gồm từ Miến Điện đến Philippines, phía bắc Úc. Những khu vực khác, như Ấn Độ, Hawaii và phần còn lại của nước Úc vẫn nằm dưới sự chỉ huy của các chính quyền địa phương. Ngày 15 tháng 1, Wavell đã đến Bandung tại Java để chính thức chỉ huy ABDACOM.

Sau khi Mã Lai và Singapore thất thủ, sự kháng cự của quân Đồng Minh đã tan rã nhanh chóng và "khu vực ABDA " đã phải chia làm 2. Sau đó, các lực lượng khối ABDA đã rút về phòng thủ Indonesia dưới quyền chỉ huy chung của tướng Wavell. Tư lệnh lục quân là Toàn quyền Hà Lan ở Indonesia, tư lệnh không quân là người Mỹ. Còn về hải quân, tư lệnh là đô đốc Thomas C. Hart người Mỹ và phó tư lệnh là đô đốc Conrad Helfrich người Hà Lan.[68]

Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 2, đô đốc Hart rời chỉ huy sở ở Bandung và giao quyền lại cho tư lệnh phó. Wavell từ chức tổng tư lệnh ABDACOM vào ngày 25 tháng 2, chuyển giao quyền chỉ huy Khu vực ABDA lại cho các tư lệnh địa phương rồi trở về Ấn Độ làm tổng tư lệnh các lực lượng quân Anh tại đây. Chức vụ tổng tư lệnh được giao lại cho viên Toàn quyền người Hà Lan.

Ngày 27 tháng 2, trong trận hải chiến biển Java, hạm đội hỗn hợp của 4 nước Đồng Minh đã bị hạm đội Nhật đánh bại. Một trong những nguyên nhân thất bại có thể kể đến là 15 chiến hạm của hạm đội ABDA thuộc 4 quốc tịch khác nhau, được huấn luyện theo 4 nguyên tắc kĩ thuật và chiến thuật khác nhau, đồng thời còn không có ký hiệu mật mã chung nên đã không có sự phối hợp tốt với nhau. Sau thất bại này, ABDA xem như tan rã.

Để thay thế cho ABDA, ngày 17 tháng 3, Hoa Kỳ đã cho thành lập Bộ tổng tư lệnh Tây Thái Bình Dương với phạm vi hoạt động bao gồm Úc và New Guinea và người chỉ huy là tướng Douglas MacArthur. Sau đó Bộ tổng tư lệnh Trung tâm Thái Bình Dương cũng ra đời và chỉ huy trưởng là đô đốc Chester Nimitz. Ngày 1 tháng 4, Hội đồng Chiến tranh Thái Bình Dương đã được thành lập tại Washington do tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đứng đầu, cố vấn Harry Hopkins và đại diện của các nước Anh, Trung Quốc, Úc, Hà Lan, New Zealand và Canada. Đại diện của Ấn Độ và Philippines được thêm vào sau đó.

Sau khi thất trận ở Mã Lai, hải quân Anh rút về vịnh Trincomalee ở Ceylon. Đô đốc James Somerville được cử làm tư lệnh hải quân bảo vệ Ấn Độ Dương với lực lượng 3 hàng không mẫu hạm, 5 thiết giáp hạm, khoảng 8 tuần dương hạm và 15 khu trục hạm.

Đầu tháng 4 năm 1942, hạm đội hùng hậu của hải quân Nhật mà chủ lực là 6 hàng không mẫu hạm do phó đô đốc Chuichi Nagumo đã rời Singapore tiến về Ấn Độ với nhiệm vụ tiêu diệt Hạm đội Phương Đông và căn cứ Trincomalee của Anh. Đô đốc Somerville quyết định rút chạy về Đông Phi, không giao chiến, bất chấp sự dè bỉu của các sĩ quan dưới quyền. Đây là lần đầu tiên trong 100 năm qua, hải quân Anh từ chối giao chiến.[79] Sở dĩ Somerville phải lựa chọn giải pháp này vì nếu hạm đội Phương Đông của Anh bị phá hủy, Nhật Bản bất cứ lúc nào cũng có thể đổ bộ lên Ấn Độ, phong tỏa Úc và đe dọa tuyến hàng hải Keptown-Suez. Còn nếu rút lui sẽ bảo toàn được lực lượng, đợi ngày phản công.

Trong suốt hơn một tuần đầu của tháng 4, hạm đội Nhật đã càn quét khắp Ấn Độ Dương, đánh chìm nhiều chiến hạm Anh, trong đó có tàu sân bay hạng nhẹ HMS Hermes, 2 tuần dương hạm hạng nặng, 2 khu trục hạm, 1 tàu vận tải có vũ trang và 23 tàu vận tải chở khoảng 112.000 tấn hàng hóa của người Anh đang trên đường đến tiếp tế cho Miến Điện,[79] Quân Nhật chỉ tổn thất khoảng 20 máy bay. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu đã không đạt được: tiêu diệt toàn bộ hạm đội Phương Đông của Anh. Đây cũng là trận đánh thành công cuối cùng của hạm đội Nagumo.

Trước thắng lợi thần tốc của Nhật Bản tại Đông Nam Á, nước Úc giờ đây đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Ngày 19 tháng 2, không quân Nhật đã cho oanh tạc thành phố Darwin, giết chết ít nhất 243 người. Ngày 12 tháng 3, thủ tướng Nhật Hideki Tojo phát biểu trước Quốc hội:

Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 3, thủ tướng Úc John Curtin đã phải kêu gọi Hoa Kỳ "nên giúp Úc phòng thủ trước khi quá muộn"."[82] Để đối phó với đà tiến của người Nhật, các nước Đồng Minh đã quyết định thiết lập một vành đai phòng thủ kéo dài từ quần đảo Aleutian (Bắc Thái Bình Dương) đến tận châu Úc, đi qua Hawaii, đảo Midway. Bộ tư lệnh Tây Thái Bình Dương được đặt ở Melbourne do đại tướng Douglas MacArthur chỉ huy. Hải quân Hoa Kỳ cũng gửi sang đây 3 tàu sân bay và hải quân hai nước Mỹ - Úc quyết tâm không cho người Nhật tiến vào lãnh hải Úc.

Suốt 5 tháng kể từ ngày nổ ra cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, quân đội Nhật Bản đã đánh chiếm được tất cả các thuộc địa của Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan ở vùng Đông Nam Á và một số hòn đảo quan trọng trên Thái Bình Dương mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào.[84] Toàn bộ vùng Nhật Bản chiếm được rộng 3,8 triệu km² với 150 triệu dân. Còn nếu tính cả các vùng chiếm được ở Trung Quốc thì diện tích lên đến 7 triệu km² với số dân khoảng 500 triệu người.[55] Nhật Bản giờ đây đã nắm trong tay những nguyên liệu chiến lược mà họ rất cần - dầu hỏa, cao su, thiếc, tungsten, crôm, mangan và lúa gạo - ngoại trừ sắt.[85]

Quân đội Nhật thu được hàng loạt chiến thắng lớn. Trên biển, họ đã tiêu diệt tổng cộng 7 thiết giáp hạm hoặc tàu chiến - tuần dương, 2 tàu sân bay, vài tàu tuần dương, nhiều tàu khu trục, tàu ngầm và hàng chục tàu vận tải. Trên bộ, họ đã tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh gần 400.000 binh sỹ Mỹ - Anh - Hà Lan, phá hủy hoặc thu giữ vài trăm máy bay, khoảng 1.000 xe tăng - thiết giáp và hàng ngàn xe cơ giới các loại. Quân đội Thiên Hoàng để có được thành quả trên chỉ bị mất 15.000 người tử trận, 400 máy bay, 5 khu trục hạm và 12 tàu ngầm, trong khi phương án tác chiến ban đầu của Nhật Bản dự trù phải hi sinh 1/3 lực lượng hải quân.[86] Thắng lợi của Nhật Bản trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh phần lớn là do không quân và hải quân, bởi vì Nhật chỉ điều động khoảng 11 sư đoàn lục quân (khoảng 200.000 người) để tấn công Philippines, Mã Lai, Miến Điện và Nam Dương, trong khi 70% lục quân Nhật (khoảng 37 sư đoàn) còn đang ở Trung Hoa đại lục. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quân Nhật thắng lớn trong giai đoạn đầu là do sự mất cảnh giác, không chuẩn bị đầy đủ và thiếu kiên quyết của phía Mỹ, Anh chống lại cuộc tấn công của quân Nhật. Sự thất bại của những người da trắng ở châu Á còn làm tổn hại uy thế của họ một cách trầm trọng.[85]

Sau đó, giữa Lục quân và Hải quân Nhật lại có 2 quan điểm chiến lược khác nhau. Tổng tham mưu trưởng lục quân Hajime Sugiyama đề nghị củng cố vững chắc các vùng lãnh thổ đã chiếm được, buộc Anh-Mỹ phải đưa ra các điều kiện hòa bình hoặc giành thế chủ động cho người Nhật nếu chiến tranh tiếp diễn. Trong khi đó, tổng tham mưu trưởng hải quân Nagano Osami lại cho rằng cần phải liên tục tấn công để giữ kẻ địch luôn ở tư thế phòng thủ, tiến hành các chiến dịch đánh chiếm Úc, Ấn Độ, Hawaii hoặc các căn cứ quan trọng khác trên Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương. Đó sẽ là vành đai phòng thủ từ xa của Nhật Bản.[81]

Ngày 25 tháng 3, đô đốc Yammamoto đưa ra kế hoạch đánh chiếm đảo Midway ở trung tâm Thái Bình Dương và quần đảo Aleutian ở phía bắc Thái Bình Dương. Theo ông, đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa một cuộc tấn công bất ngờ của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào chính quốc Nhật Bản nhưng kế hoạch này của ông đã không được tán thành trong bộ tổng tham mưu.[89] Một phương án khác được nhiều người ủng hộ hơn là kế hoạch FS (từ Fiji đến Samoa), theo đó người Nhật sẽ đánh chiếm 3 quần đảo ở phía đông bắc Úc là Samoa, Fiji và New Caledonia nhằm cắt đứt tuyến giao thông từ Mỹ đến Úc.[90]

Mặc dù yếu đi một cách đáng kể do trận Trân Châu cảng, hải quân Hoa Kỳ chỉ mất 2 tháng để phản công khi lần lượt ném bom quần đảo Gilbert và Marshall, đảo Wake (ngày 24 tháng 2) và quần đảo Marcus cách Tokyo 1.500 km (ngày 4 tháng 3). Ngày 10 tháng 3, các máy bay Mỹ lại ném bom các căn cứ Nhật ở Lae, Salamoa và New Guinea, đánh chìm 1 tuần dương hạm hạng nhẹ, một tàu vớt mìn và một tàu chở hàng.

Sau đó, vì những thất bại liên tiếp trên chiến trường, chính phủ Hoa Kỳ muốn có một đòn phản kích đánh vào lãnh thổ Nhật Bản nhằm trấn an dư luận và gây tiếng vang khích lệ tinh thần. Nhiệm vụ được đặt ra là một cuộc ném bom bất ngờ và mạo hiểm vào thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Phi đoàn được giao nhiệm vụ là phi đoàn của đại tá James H. Doolittle bao gồm 16 máy bay ném bom hạng trung B-25 Mitchell.

Hàng không mẫu hạm USS Hornet chở theo phi đoàn Doolittle đã bí mật tiến sát vào lãnh hải Nhật Bản. Giữa trưa ngày 18 tháng 4, phi đoàn này đã xuất hiện trên bầu trời Tokyo và thực hiện cuộc oanh tạc mà không một máy bay nào bị hỏa lực phòng không bắn hạ. Cuộc ném bom không gây thiệt hại nhiều về vật chất nhưng đã làm chấn động tâm lý giới lãnh đạo quân sự Nhật và góp phần giúp quan điểm chiến lược của hải quân thắng thế. Giờ đây, kế hoạch đánh chiếm đảo Midway và quần đảo Aleut của Yamamoto đã được bộ thống soái tối cao phê chuẩn. Thêm vào đó, một kế hoạch khác mang mật danh "Chiến dịch MO" nhằm đánh chiếm cảng Moresby tại New Guinea sẽ được thực hiện tại vùng biển Coral ở phía nam Thái Bình Dương.

Tại Madagascar, thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương, vào ngày 5 tháng 5, quân Anh tiến hành đổ bộ lên Diego-Suarez, căn cứ hải quân phía bắc đảo này.[94] Chiến sự tại đây kết thúc vào đầu tháng 11 với thắng lợi thuộc về Đồng Minh. Trong khi đó, một số lực lượng Úc và Hà Lan khác đã cùng dân thường thực hiện cuộc chiến tranh du kích chống quân Nhật tại vùng Timor từ ngày 19 tháng 2 năm 1942 và kéo dài khoảng một năm sau đó.

Đầu tháng 5 năm 1942, "Chiến dịch MO" do phó đô đốc Shigeyoshi Inoue chỉ huy bắt đầu được thực hiện nhằm đánh chiếm cảng Moresby tại New Guinea. Nếu chiếm được cảng này, Nhật Bản sẽ kiểm soát được vùng biển phía bắc nước Úc và đặt nước này vào tình thế nguy hiểm. Quân Nhật dự tính chiếm Tulagi ở phía nam quần đảo Solomon và bao vây bằng nột phân hạm đội mũi Đông của New Guinea để chiếm Moresby. Cuộc đổ bộ ở Tulagi của quân Nhật không gặp sự đối kháng vào ngày 3 tháng 5

Ngày 4 tháng 5, từ quân cảng Rabaul, lực lượng đánh chiếm Moresby bí mật xuất phát bao gồm 14 chuyển vận hạm, 1 hàng không mẫu hạm nhẹ, 5 tuần dương hạm và 7 khu trục hạm. Tuy nhiên, không may cho người Nhật, người Mỹ đã giải mã được các mật mã của hải quân Nhật nên đô đốc Chester Nimitz đã điều hàng không mẫu hạm USS Lexington, dưới quyền đô đốc Frank Jack Fletcher, để cùng hàng không mẫu hạm USS Yorktown và các lực lượng hải quân Mỹ-Úc ngăn chặn bước tiến quân Nhật tại vùng biển Coral.

Trong hai ngày 7 và 8 tháng 5, đã xảy ra trận hải chiến tại vùng biển Coral. Sáng ngày 7 tháng 5, các máy bay Nhật xuất phát từ hàng không mẫu hạm đã đánh chìm một tàu chở dầu và một khu trục hạm Hoa Kỳ. Sau đó, trong đợt tấn công của mình, các máy bay Mỹ đã đánh chìm hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Shōhō của Nhật. Ngày tiếp theo, các máy bay Nhật đã đánh chìm tàu sân bay USS Lexington và đánh hỏng nặng USS Yorktown, trong khi về phía Nhật, tàu sân bay Shōkaku bị đánh hỏng nặng, phải quay về Nhật để sửa chữa.

Do tổn thất quá nhiều máy bay, lực lượng đánh chiếm Moresby không còn được yểm trợ về không lực đã phải rút về Rabaul.[96] Kết thúc trận hải chiến này, Nhật Bản giành thắng lợi về chiến thuật nhưng về mặt chiến lược, họ đã thất bại trong nỗ lực đổ bộ lên phía nam New Guinea. Lần đầu tiên kể từ trận Trân Châu cảng, một cuộc tấn công của Nhật Bản đã bị đánh bại. Với kết quả đó, Đồng Minh đã phần nào lấy lại thế chủ động và tình hình chiến lược Thái Bình Dương bắt đầu có sự đổi chiều bất lợi cho người Nhật.

Đảo Midway là một đảo san hô nằm ở phía bắc Thái Bình Dương và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng vì nằm giữa con đường hàng hải Thái Bình Dương từ Hoa Kỳ sang Châu Á. Theo kế hoạch của đô đốc Yamamoto Isoroku, cuộc tấn công của người Nhật vào Midway, kết hợp với một cuộc tấn công khác tại quần đảo Aleutian ở Alaska, nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông còn muốn tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ mà quan trọng nhất là các hàng không mẫu hạm đang ngày càng trở thành mối đe dọa với Nhật.

Toàn bộ lực lượng hải quân Nhật được huy động vào việc đánh chiếm Aleutian và Midway có đến 8 hàng không mẫu hạm, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm, 21 tàu ngầm và 83 tàu phục vụ chiến đấu. Tổng số máy bay tham gia trong Lực lượng đột kích của Nagumo là 261 chiếc bao gồm 84 máy bay ném bom bổ nhào, 93 máy bay phóng ngư lôi và 84 chiến đấu cơ Zero. Đây là đợt ra quân lớn nhất của hải quân đế quốc Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.[99]

Trong khi đó, nhờ tiếp tục giải mã được công điện của hải quân Nhật, đô đốc Nimitz và bộ tham mưu của ông đã đoán định chính xác toàn bộ kế hoạch đánh chiếm Midway của người Nhật. Ngày 20 tháng 5, ông đã đến Midway để xem xét việc bố phòng và tăng cường thêm máy bay cho đảo. Tại Trân Châu cảng, Lực lượng đặc nhiệm 16 của chuẩn đô đốc Raymond A.Spruance chỉ huy gồm 2 hàng không mẫu hạm Enterprise và Hornet, 6 tuần dương hạm và 11 khu trục hạm bắt đầu rời căn cứ ngày 29 tháng 5 hướng về Midway. Sau đó, Nimitz còn cho gọi thêm Lực lượng đặc nhiệm 17 của chuẩn đô đốc Fletcher gồm hàng không mẫu hạm USS Yorktown, 2 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm từ vùng biển Coral trở về nhận nhiệm vụ mới.[100]

6 giờ sáng ngày 3 tháng 6, máy bay trinh sát PBY Catalina đã phát hiện ra hạm đội Nhật đang trên đường đến Midway. Sáng ngày 4 tháng 6, phó đô đốc Chuichi Nagumo cho 108 máy bay xuất kích tấn công Midway. Nhưng do đã chuẩn bị trước, các máy bay Mỹ đều kịp thời cất cánh để chống trả khiến quân Nhật không đạt được kết quả như mong muốn.[101] Sau đó, các máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm bắt đầu tấn công hạm đội Nhật nhưng cả ba đợt tấn công bằng máy bay ném ngư lôi đều bị đập tan, 35 trong tổng số 41 máy bay phóng ngư lôi và 6 chiến đấu cơ đã bị các chiến đấu cơ Zero của Nhật bắn hạ. Phía Nhật vì thế dự đoán phía Mỹ sẽ không thể tấn công nữa mà còn phải củng cố lực lượng.

Vào lúc 10 giờ, Nagumo hạ lệnh chuẩn bị tấn công. Các máy bay phóng ngư lôi được đưa lên sàn tàu trước, các chiến đấu cơ xếp phía sau và được khẩn trương tiếp thêm xăng dầu. Bất ngờ vào lúc ấy, một phi đội gồm 37 máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless xuất phát từ hàng không mẫu hạm Enterprise tình cờ phát hiện 4 hàng không mẫu hạm Nhật đã lao xuống tấn công. Các máy bay tiêm kích Nhật khi đó đang bận đánh chặn tốp máy bay ném ngư lôi nên không kịp ngăn chặn. Kết quả là sau 20 phút, Nagumo đã mất 3 trên 4 hàng không mẫu hạm của mình là Sōryū, Kaga và Akagi.

Là hàng không mẫu hạm duy nhất của Nhật còn sót lại, chiếc Hiryū do chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi chỉ huy đã nhanh chóng mở cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm Yorktown của Mỹ và gây hư hại nặng cho nó. Tuy nhiên đến chiều ngày hôm đó, Hiryū đã bị tấn công và đánh chìm bởi máy bay từ hàng không mẫu hạm Enterprise. Ngày 6 tháng 6, một chiếc tàu ngầm Nhật Bản phát hiện thấy Yorktown và khu trục hạm USS Hammann đã phóng ngư lôi đánh chìm cả hai. Trong ngày này, hải quân Nhật còn tiếp tục mất thêm một tuần dương hạm hạng nặng.[102]

Sau khi nghe tin 4 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm, ngày 5 tháng 6, Yammamoto hạ lệnh bỏ kế hoạch đánh chiếm Midway. Quân Nhật thảm bại nặng nề: 4 hàng không mẫu hạm, 1 tuần dương hạm bị đánh chìm, cộng thêm 248 máy bay. Phía Mỹ chỉ mất 1 hàng không mẫu hạm, 1 khu trục hạm và 147 máy bay.[101] Qua trận đánh này, không chỉ mất đi sức mạnh không hạm đội, người Nhật còn mất cả những phi công hải quân được huấn luyện tốt nhất.[102] Đây cũng là trận đánh đánh dấu lần thất bại đầu tiên của hải quân Nhật trong lịch sử cận đại, tin thất trận nặng nề này bị bộ chỉ huy tối cao Nhật giấu nhẹm, không cho dân chúng biết. Trận Midway do đó được xem là bước ngoặt của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.

Sau thất bại tại đảo Midway, mùa thu năm 1942, quân Nhật có ý định tiến xa hơn nữa về phía nam Thái Bình Dương, nhằm mưu toan cô lập Úc với Hoa Kỳ. Nằm về phía bắc và đông bắc Úc là đảo New Guinea và quần đảo Solomon. New Guinea từ đầu chiến tranh đã bị quân Nhật chiếm được 2/3. Các sân bay tại đây cho phép máy bay Nhật vừa phong tỏa một phần lãnh hải Úc vừa cho phép họ thực hiện những cuộc oanh tạc vào cảng Darwin, miền bắc Úc.[104]

Trong khi đó, quần đảo Solomon bị người Nhật chiếm lấy vào tháng 4 năm 1942 nhưng vì ít quân nên Nhật chỉ chiếm một số đảo. Còn hải quân Nhật thì đóng tại Rabaul, nằm trên đảo New Britain.[104] Sau đó, quân Nhật chọn đảo Guadalcanal, nằm ở đông nam Solomon làm căn cứ tiền phương và xây dựng sân bay ở phía bắc đảo. Vì chủ quan, người Nhật tỏ ra không vội vàng trong việc hoàn thành xây dựng.[105] Trong khi đó, tại Melbourne, bộ tư lệnh của tướng Douglas MacArthur chịu trách nhiệm khu vực tây nam Thái Bình Dương đã soạn thảo xong kế hoạch phản công theo đó dự tính sẽ phản công quân Nhật theo ba bước.

Ngày 7 tháng 8, chiến dịch phản công trên bộ đầu tiên của quân Đồng Minh ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương bắt đầu khi Hoa Kỳ tung Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của họ với quân số khoảng 17.000 quân vào cuộc chiến ở quần đảo Solomon gồm 11.000 quân đổ bộ lên đảo Guadalcanal và 6.000 quân lên đảo Tulagi.[106] Nhưng đêm hôm đó, phó đô đốc Gunichi Mikawa đã đem một hạm đội đánh chìm 4 tuần dương hạm Hoa Kỳ trong trận chiến đảo Savo khiến cho hạm đội Hoa Kỳ bỏ chạy mang theo cả số lương thực và quân trang chưa đổ bộ. Bộ tổng tham mưu Nhật Bản gửi đến Rabaul lực lượng phản kích gồm 6.000 quân. Lục quân Đế quốc Nhật Bản sẽ được yểm trợ bằng các đơn vị hải quân của Hạm đội Liên hợp, dưới quyền đô đốc Isoroku Yamamoto, với tổng hành dinh đặt tại Truk. Đến tháng 10, lực lượng quân Nhật trên đảo đã lên đến 36.000 người nhưng do quan điểm chiến thuật tấn công sai lầm của các sĩ quan Nhật làm quân Nhật tổn thất nặng nề trước hỏa lực dữ dội đáp trả từ Thủy Quân Lục Chiến, khiến cho họ không đủ sức áp đảo quân Mỹ và giành lại sân bay.[107] Từ tháng 8 đến tháng 11, quân Nhật đã mở 3 trận chiến lớn trên bộ nhằm chiếm sân bay Henderson nhưng đều bị Thủy Quân Lục Chiến đánh bại.

Trong khi đó, để tăng viện cho lực lượng bộ binh đang giao tranh, quân Nhật đã tổ chức các đoàn chuyển vận mà quân Đồng Minh gọi là "Tokyo Express", dẫn đến những cuộc hải chiến vào ban đêm với hải quân Đồng Minh. Tổng cộng đã có 6 trận hải chiến lớn diễn ra và kết thúc vào tháng 12 khi hải quân Nhật thất bại trong trận hải chiến Guadalcanal, đồng nghĩa với nỗ lực chuyển quân cuối cùng của người Nhật cũng tan tành.

Kể từ đó, quân Nhật tại Guadalcanal do việc tiếp tế khó khăn đã luôn ở trong tình trạng đói khát, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành nên mất hết sức chiến đấu.[108] Trong khi đó, Hải quân Mỹ không ngừng đổ bộ thêm quân tăng viện lên đảo và đến tháng 1 năm 1943, số quân Mỹ có mặt trên đảo đã lên đến hơn 50.000 người gồm Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 và 2 cùng với Sư đoàn 23 và 25 Lục quân.[107] Ngày 31 tháng 12, trong Hội nghị ngự tiền, Bộ tư lệnh Nhật Bản đã quyết định lệnh rút lui khỏi Guadalcanal. Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1943, 10.630 lính Nhật đã thực hiện cuộc rút lui khỏi đảo. Ngày 9 tháng 2, Hoa Kỳ tuyên bố kết thúc chiến sự tại đây.

Như vậy, chiến cuộc giành giật đảo Guadalcanal đã chấm dứt với thảm bại của quân đội Nhật. 24.000 lính Nhật chết từ đầu chiến dịch cho đến lúc rút quân, trong khi Hoa Kỳ có 1.600 người chết, 4.200 người bị thương, cùng hàng ngàn người chết do bệnh sốt rét và các hiểm họa khác trong rừng nhiệt đới.[107] Về hải quân, cả hai đều tổn thất ngang nhau: hải quân Nhật mất 2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 1 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, 11 khu trục hạm và 6 tàu ngầm, trong khi hải quân Hoa Kỳ mất 8 tuần dương hạm, 2 hàng không mẫu hạm và 14 khu trục hạm. Ngoài ra, hải quân Nhật Bản còn tổn thất 893 máy bay và 2.362 phi công tài ba, những người đã được tôi rèn trong các chiến thắng từ Trân Châu Cảng đến Ấn Độ Dương.[109] Sau trận đánh này, gió hoàn toàn đã xoay chiều, Đồng Minh bước vào giai đoạn phản công ồ ạt.[110]

Nhìn chung, nhờ ưu thế về dân số đông, giàu tài nguyên và quy mô nền công nghiệp lớn hơn nhiều so với Nhật, tương quan lực lượng ngày càng nghiêng về phía Mỹ. Tính từ tháng 12/1941 cho đến khi chiến tranh kết thúc, Nhật đóng được 18 tàu sân bay (bao gồm 7 tàu sân bay cỡ lớn và 11 tàu sân bay hạng nhẹ/tàu sân bay hộ tống). Trong khi đó, Mỹ huy động được 143 tàu sân bay, bao gồm việc đóng mới 24 tàu sân bay cỡ lớn và sửa đổi 119 tàu tuần dương/tàu vận tải thành 9 tàu sân bay hạng nhẹ và 110 tàu sân bay hộ tống (39 chiếc được bán cho Hải quân Anh, còn 71 chiếc được trang bị cho Hải quân Mỹ), chưa kể nước Anh cũng chế tạo được 19 tàu sân bay cỡ lớn và 7 tàu sân bay hộ tống. Hơn 75.000 máy bay đã được chuyển giao cho Hải quân Mỹ trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1945. Sức mạnh của không lực hải quân Mỹ đã tăng từ 10.923 người (2.695 trong số đó là phi công) vào năm 1940 lên đến 437.524 người (với 60.747 phi công) vào tháng 8 năm 1945. Hơn 66.000 tàu, xuồng đổ bộ đã được Mỹ chế tạo trong chiến tranh, và đại đa số được sử dụng ở Thái Bình Dương. Vào tháng 12 năm 1941, Hải quân Mỹ có sức mạnh tổng hợp gồm 336.274 sĩ quan và quân nhân; đến năm 1945, hải quân Mỹ đã có 3.383.196 quân nhân, trong đó có 1.574.614 người đang phục vụ.

Không chỉ vượt trội về số lượng, chất lượng vũ khí và huấn luyện của hải quân Mỹ cũng dần vượt hơn hơn so với Nhật. Đầu chiến tranh, tiêm kích Mitsubishi A6M "Zero" của Nhật vượt trội so với tiêm kích của Mỹ, nhưng từ đầu năm 1944 thì các tiêm kích mới như F6F Hellcat, F4U Corsair của Mỹ đã vượt trội hơn Zero. Đầu chiến tranh, các phi công Nhật có kỹ năng tốt hơn so với các phi công Mỹ, nhưng do tổn thất cao trong chiến đấu và tốc độ đào tạo phi công của Nhật khá chậm nên tới năm 1944, hầu hết phi công Nhật chỉ là tân binh có kỹ năng kém hơn phi công Mỹ. Đầu chiến tranh, các thủy thủ Nhật có khả năng đánh ban đêm và xạ kích tầm xa tốt hơn so với các thủy thủ Mỹ, nhưng từ năm 1943 thì ưu thế này đã bị đảo ngược do các tàu Mỹ đã được trang bị radar. Phía Nhật cũng đã cố gắng nghiên cứu các vũ khí mới như tiêm kích Mitsubishi J2M, Kawanishi N1K, trang bị radar cho tàu chiến... nhưng việc thiếu tài nguyên và quy mô công nghiệp nhỏ đã khiến Nhật Bản không thể sản xuất các loại vũ khí mới với số lượng đủ lớn để thay đổi cục diện.

Do bị áp đảo về lực lượng, từ cuối năm 1943, Nhật Bản bị đẩy vào thế phòng ngự bị động cho tới khi thất bại.

Mục tiêu cuối cùng của Nhật trong cuộc "Nam tiến" là thành lập "Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á" (Daitoa kyoeyken), một danh từ do Bộ trưởng ngoại giao Yosuke Matsuoka sử dụng lần đầu vào ngày 1 tháng 8 năm 1941, gồm có Đế quốc Nhật Bản, Mãn Châu quốc, Bắc Trung Hoa, Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia, Úc và New Zealand.[112]

Vai trò của Nhật, theo kế hoạch của người Nhật, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà còn bảo vệ quân sự và dẫn dắt chính sách nội bộ của các nước trong khối. Riêng về mặt kinh tế, vai trò của các nước Đông Nam Á cũng khác hẳn vai trò của Mãn Châu quốc và Bắc Trung Hoa. Ở miền bắc Đông Á, Nhật muốn xây dựng một khu công nghiệp trong khi miền Nam châu Á thì lại trở thành thị trường và nơi cung cấp nguyên liệu.[112]

Nhật Bản đưa ra chiêu bài Đại Đông Á, tuyên bố giúp các dân tộc da vàng đánh đổ ách thống trị của thực dân da trắng để lập nên khu vực thịnh vượng chung này.[54] Thực ra, đó chỉ là một biện pháp ngụy biện cho sự xâm lược. Khi quân Nhật đang thắng, chiêu bài này ít được nói đến nhưng khi tình thế bắt đầu khó khăn từ năm 1943, thủ tướng Hideki Tojo nhận thấy phải nâng cao lại chiêu bài này. Tháng 7 năm 1943, ông đã đến Singapore, gặp gỡ các lãnh tụ dân tộc Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp này, Tojo đã tuyên bố trả lại phần lớn lãnh thổ Shan lại cho Miến Điện.[113] Ngày 1 tháng 8 năm 1943, tướng Masakazu Kawabe làm lễ trao trả "độc lập" lại cho Ba Maw, chủ tịch nhà nước Miến Điện. Đến ngày 14 tháng 10 năm 1943, Nhật tiếp tục trả "độc lập" cho Philippines, với José P. Laurel làm quốc trưởng.[114] Một tuần lễ sau, chính phủ lâm thời giải phóng Ấn Độ do Chandra Bose đứng đầu, được hình thành ở Singapore. Riêng Indonesia có quá nhiều tài nguyên nên Nhật chưa trao trả độc lập ngay được.[115]

Tuy nhiên trái với những gì tuyên bố, Nhật Bản đã thiết lập một ách thống trị bằng bạo lực và khủng bố đồng thời thẳng tay bóc lột các vùng chiếm đóng để phục vụ cho chiến tranh.[54] Theo tài liệu của Trung Quốc, cuộc xâm lược của Nhật Bản đã làm cho hơn 11 triệu người Trung Quốc chết, tổng số thiệt hại vật chất hơn 56 tỉ dollar.[116] Ở Triều Tiên, hơn một triệu người bị bắt đi lao động ở các hầm mỏ ở Nhật và hàng chục vạn người bị bắt lính đưa sang Đông Nam Á.[117] Ngày 1 tháng 11, chính quyền Nhật Bản thành lập Bộ Các vấn đề Đại Đông Á để khai thác tài nguyên và duy trì guồng máy cai trị của Nhật. Hậu quả là ở miền Bắc Việt Nam, gần 2 triệu người bị chết đói vì nạn đói vào đầu năm 1945.[119] Các nước Đông Nam Á khác như Mã Lai, Miến Điện, Philippines, Indonesia,… số phận của người dân bản xứ cũng không có gì may mắn hơn dưới chính sách bóc lột của "người anh cả da vàng" với 2 triệu người chết ở Indonesia và 1,1 triệu người ở Philippines. Những mô hình về tổ chức của Nhật Bản, như mô hình hàng xóm liên kết để địa phương kiểm soát, giờ cũng được thi hành ở vùng chiếm đóng. Những nhu cầu của người Nhật được đáp ứng ưu tiên, có nghĩa là dầu mỏ, bauxite, thiếc, kẽm,… đều phải được chuyển từ Đông Nam Á sang Nhật Bản, khát vọng của dân địa phương không hề được đếm xỉa đến.[121]

Đầu tháng 11 năm 1943, "Hội nghị Đại Đông Á" đã được triệu tập tại Tokyo gồm Thái Lan, Miến Điện, Philippines, Mãn Châu quốc, chính quyền Uông Tinh Vệ ở Trung Hoa. Ấn Độ đến với tư cách là quan sát viên.[115]

Mở đầu hội nghị, thủ tướng Nhật Bản Hideki Tojo đã phát biểu về nhiệm vụ của khối thịnh vượng chung là "xây dựng một trật tự mới, tiền đề để phát huy sự sung túc của nhân dân trong vùng". Sau đó, lần lượt đại biểu các nước phát biểu, trong đó riêng có bài diễn văn của Ba Maw (Miến Điện) và Chandra Bose (Ấn Độ) gây ấn tượng sâu sắc. Ba Maw kêu gọi:

Về góc độ ngoại giao, hội nghị là một thành công của Tojo nhưng tư tưởng giới quân phiệt Nhật lại đối chọi với mục đích hội nghị. Cho nên, khi các đại biểu ra về, tinh thần hội nghị cũng tan theo.[124]

Ách thống trị của Nhật Bản tại những vùng chiếm được của châu Á quá tàn bạo và chỉ phục vụ lợi ích riêng nước Nhật đã làm cho phong trào kháng chiến ở các vùng này lên cao. Tại Trung Quốc, hàng triệu quân du kích của Đảng Cộng sản và quân Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã đánh tiêu hao lực lượng, quấy phá hậu phương quân Nhật,[125] kiềm chế hơn 1 triệu quân Nhật trên đất Trung Quốc.[126] Tại Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, nhân dân Triều Tiên đã có những hoạt động chống Nhật bí mật.

Tại Mã Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quân du kích chống Nhật đã phát triển lên đến 10.000 người, giải phóng được hơn ½ lãnh thổ ở nông thôn trên toàn quốc.[127] Tại Philippines, vào cuối tháng 2 năm 1942, đã thành lập đội quân nhân dân chống Nhật mang tên Hukbalahap. Đến tháng 2 năm 1945, đội quân này đã lên tới 7 vạn người.[125]

Trong khi đó, phong trào ở Miến Điện và Indonesia do giới trí thức dẫn dắt, có sự hợp tác của Đảng Cộng sản. Còn Thái Lan có "Phong trào Thái Lan tự do" có 50.000 người tham gia và được Mỹ viện trợ vũ khí để tổ chức thành lực lượng vũ trang đông gần 10.000 người.

Ở Việt Nam, vào tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, mặt trận đã chỉ đạo cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi hai tầng áp bức Pháp-Nhật. Các căn cứ địa cách mạng được xây dựng ở vùng núi Cao-Bắc-Lạng.

Sau khi chiếm xong quần đảo Solomon, đô đốc Chester W. Nimitz quyết định đánh chiếm tiếp hai quần đảo Gilbert và Marshall nằm ở phòng tuyến ngoài cùng của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Sáng ngày 20 tháng 11 năm 1943, Sư đoàn 27 Lục quân Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo Makin thuộc quần đảo Gilbert và mất 4 ngày để làm chủ đảo sau khi mất 66 người. Cùng ngày đó, Sư đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Tarawa, một đảo nhỏ có 5.000 quân Nhật do chuẩn đô đốc Keiji Shibazaki chỉ huy. Tại đây, Hải quân và Thủy Quân Lục Chiến phạm một số sai lầm: không đánh giá đúng mức thủy triều ở các rặng đá ngầm vì vậy họ phải vượt qua hơn 600m nước dưới hỏa lực dữ dội của đối phương và hệ thống liên lạc bị cắt đứt.[129]

Phải mất 1 tuần sau, quân Mỹ mới chiếm được đảo với tổn thất trên 1.000 thủy quân lục chiến tử trận và hơn 2.000 khác bị thương. Người Mỹ chỉ bắt được 17 tù binh Nhật và 129 nhân công Triều Tiên. Qua trận đánh này, quân Mỹ đã học được nhiều kinh nghiệm quý giá.[129]

Đầu năm 1944, trong kế hoạch đánh chiếm quần đảo Marshall, đô đốc Nimitz buộc các tư lệnh hạm đội phải bắn phá trung tâm quần đảo và liên kết các tàu sân bay để vô hiệu hóa không quân địch. Tại quần đảo này, người Nhật đã xây dựng những cứ điểm phòng thủ kiên cố nhưng chưa sẵn sàng để đối đầu. Ngày 1 tháng 2, quân Mỹ tiến đánh Kwajalein và chiếm đảo này sau 1 tuần với một tổn thất không đáng kể.

Để đánh chiếm Marshall, đô đốc Nimiz đã tạo ra chiến thuật tấn công mới, gọi là "Nhảy đảo", bỏ qua một số vị trí địch để đánh thẳng vào mục tiêu chính. Với điều kiện có ưu thế lớn về không quân để có thể ngăn chặn sự hỗ trợ lẫn nhau của các vị trí địch, lại có thể vô hiệu hóa các vị trí được bỏ qua, chiến thuật này sẽ được áp dụng rộng rãi trong hải quân cũng như lục quân Đồng Minh trên chiến trường Thái Bình Dương, giúp rút ngắn thời gian các chiến dịch.

1 tuần sau, Hoa Kỳ tiến đánh Eniwetok ở phía bắc Marshall trong khi dùng không quân để vô hiệu hóa và đe dọa quân cảng Truk, căn cứ chính của Hạm đội Liên hợp. Đô đốc Mineichi Koga đành phải dời bộ tư lệnh về Palau rồi Philippines. Ngày 31 tháng 3, máy bay của ông trên đường đi Philippines gặp giông bão rồi biến mất. Sau khi đô đốc Koga mất tích, Bộ tư lệnh hải quân chọn đô đốc Soemu Toyoda lên thay.

Quần đảo Mariana nằm giữa con đường từ quần đảo Marshall đi Philippines, Đài Loan hay Nhật Bản. Hòn đảo lớn nhất và nằm ngay giữa quần đảo là Saipan. Saipan cũng là trung tâm tiếp vận và hậu cần cho hải quân và lục quân Nhật tham chiến ở Nam Thái Bình Dương. Trung tướng Hideyoshi Obata, tư lệnh quân đoàn 31, chịu trách nhiệm toàn thể quần đảo Mariana.

Ngày 15 tháng 6 năm 1944, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Lục quân Hoa Kỳ, được sự yểm trợ của Hải quân Hoa Kỳ, đã thực hiện cuộc đổ bộ lên Saipan. Chỉ huy quân Nhật phòng thủ tại Saipan là tướng Yoshitsugu Saito và phó đô đốc Chuichi Nagumo. Để chống lại cuộc đổ bộ này, Hải quân Nhật Bản đã vạch ra "Chiến dịch A" (あ号作戦), theo đó các máy bay trên hàng không mẫu hạm kết hợp với các máy bay từ căn cứ mặt đất sẽ tấn công và tiêu diệt hạm đội Mỹ, sau đó tiến đến tiêu diệt lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên, trong trận hải chiến biển Philippines từ 19 đến 20 tháng 6, trận hải chiến bằng hàng không mẫu hạm lớn nhất trong lịch sử,[133] hạm đội Nhật Bản bị đánh bại với tổn thất nặng nề là 3 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm và mất 475 máy bay.[134] Thất bại này là do phía Nhật đã không đánh giá đúng sự hữu hiệu của radar, tài năng của các phi công đối phương, loại máy bay tiêm kích mới của Mỹ Grumman F6F Hellcat và nhất là cũng không nắm vững khả năng của các phi công Nhật, những người hầu hết là còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Sau trận đánh, hạm đội cơ động Nhật mất 92% số máy bay và 50% số máy bay của đảo Guam bị phá hủy còn phía Hoa Kỳ chỉ mất khoảng 130 máy bay và 2 tàu chở dầu. Không còn được hải quân yểm trợ, Saipan thất thủ vào ngày 9 tháng 7. Cả Saito lẫn Nagumo đều tự sát sau khi không giữ được đảo. Hầu hết quân Nhật trú phòng khoảng 30.000 người chết trận hoặc tự sát, còn phía Mỹ chịu thương vong 14.111 người.

Sau đó, các lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục đổ bộ lên đảo Guam và Tinian. Sau những cuộc giao tranh ác liệt, Guam và Tinian đã bị quân Mỹ chiếm vào tháng 8, 1944. Các sân bay ở Saipan, Tinian và Guam trở thành căn cứ của Tập đoàn không quân thứ 20 gồm toàn các oanh tạc cơ hạng nặng B-29 để tiến hành các phi vụ ném bom chiến lược trên đất liền Nhật Bản cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, bao gồm các cuộc tấn công bằng bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki.

Trong khi đó, nhằm bảo vệ cánh sườn cho lực lượng Hoa Kỳ đang chuẩn bị tấn công quân Nhật tại Philippines, vào tháng 9 năm 1944, thủy quân lục chiến và lục quân Mỹ đã đổ bộ lên Peleliu và Angaur ở Palau. Sau một trận chiến khốc liệt và kéo dài, hòn đảo đã được tuyên bố "an toàn" bởi quân đội Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1944, kết thúc chiến sự tại Palau.